Chúng tôi là Duy và Dương, giống nhau đến mức người thân trong gia đình cũng chẳng thể phân biệt. Nhưng sẽ thế nào, nếu một ngày, có cô nàng xuất hiện và gọi đúng tên tôi - Duy...
Giống nhau quá”
“Đâu là Duy? Đâu là Dương?”
“Không thể phân được nữa. Hai đứa cứ như hai giọt nước, giống đến mức như chỉ là một!”
...
Họ vẫn thường nói như vậy khi không thể chỉ ra ai là ai trong hai anh em chúng tôi. Vẻ mặt lúng túng của họ làm chúng tôi vô cùng thích thú. Với chúng tôi, họ đều là những kẻ ngốc. Chỉ là ai là Duy, ai là Dương, họ cũng không bao giờ nói chính xác được.
Không phải việc đó rất đơn giản hay sao?
Chúng tôi chẳng bao giờ nhầm lẫn cả.
Buồn cười hơn là ngay người thân trong gia đình cũng phải chịu chết. Đó có phải lỗi của chúng tôi không? Không phải! Chúng tôi là hai người cơ mà! Không thể phân được là lỗi của họ, kể cả khi chúng tôi có luôn ăn mặc giống hệt nhau, để tóc giống nhau và có cùng một biểu hiện cảm xúc.
Dương là Dương, Duy là Duy. Dương là Duy, Duy là Dương. Thật quá buồn cười!
Thỉnh thoảng bố chúng tôi lại lôi quyển album ảnh ra, nhìn một lượt để rồi thốt lên một câu “Chúng mày giống nhau thật!” hoặc đem khoe với bạn bè của chúng tôi. Chúng tôi chẳng thích điều đó lắm, vì hồi bé chúng tôi thường bị mẹ bắt ăn mặc đồ của con gái. Lúc nào cũng là những bộ váy diêm dúa và sặc sỡ các màu. Ngoài ra chúng tôi còn bị ép đeo nơ và đội tóc giả. Nhưng vì quá dễ thương nên chẳng có hề gì, chỉ là nếu mấy đứa con gái nhìn thấy sợ là sẽ mất hình tượng về vẻ nam tính của tuổi mười bảy bây giờ thôi.
Nhưng tôi nhớ, hồi ấy chúng tôi đã không hề phàn nàn gì về sở thích của mẹ, trong các bức ảnh, chúng tôi luôn cười, cười cùng một loại cười - khoái trá. Vì chúng tôi biết, dù có thành con gái đi chăng nữa thì cũng vẫn chẳng có ai chỉ ra được đứa nào là Dương còn đứa nào là Duy.
Có lần, trong dịp Giáng Sinh, chúng tôi được cho mặc những bộ váy con gái rất đẹp, tóc giả màu vàng và đeo nơ. Tôi rất thích khi thấy mình và Dương giống hệt nhau như vậy. Nhưng mẹ luôn bảo chúng tôi không nên để người khác phải khó xử bởi việc không thể phân biệt được hai đứa. Vì vậy lần này, bà đã cẩn thận đeo cho chúng tôi hai chiếc nơ khác màu. Không hề phản đối, tôi và Dương chỉ nhe răng cười “gian”, chẳng ai biết được những trò đùa của chúng tôi chưa bao giờ dừng lại.
“Nơ xanh là Duy, còn nơ đỏ là Dương!”, bà bác đầy vẻ quý tộc của chúng tôi cố ra vẻ như thân thiết lắm dù bà ấy chả biết tí gì về chúng tôi. Bà ấy đã dám chỉ ra đâu là Duy còn đâu là Dương cơ đấy! Dĩ nhiên là chẳng ai trong hai anh em chúng tôi thích cái kiểu giả tạo của bà ấy cả. Chúng tôi ghét những đáp án đúng.
“Nhầm rồi!”, chúng tôi đồng thanh.
“Nơ xanh là Dương”, tôi chỉ vào Dương.
“Còn nơ đỏ là Duy”, Dương chỉ vào tôi.
Bà bác bắt đầu bối rối, vội cười trừ rồi nhanh chóng sửa lại, “Vậy thì nơ xanh là Dương, còn nơ đỏ là Duy!”, bà ta vênh mặt, “Bây giờ thì đúng rồi nhé!”
“Nhầm rồi!”, chúng tôi đồng thanh lần nữa.
“Nơ xanh là Duy”
“Còn nơ đỏ là Dương”.
Chúng tôi vừa nói vừa chỉ vào đứa còn lại, “Bác ngốc thật!”, rồi quay người bỏ đi.
Khỏi nói cũng biết bà bác ấy tức đến mức nào, cứ thế gào lên rằng sẽ bảo mẹ cho chúng tôi một trận vì đã rất hỗn với người lớn. Chúng tôi chẳng thèm quan tâm, vẫn giữ nguyên vẻ mặt kiêu kì và cái cách hất vai rất điệu của ngày đó cho đến khi cách ăn mặc trở lại với đúng giới tính của mình vào năm mười tuổi.
Nhưng đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn luôn là hai đứa trẻ cách biệt như thế, luôn tự cao và rất ý thức về bản thân mình.
“Bác ấy ngốc thật!”, Dương nói.
“Phải đấy. Chúng ta có bao giờ nhầm ai là Dương, ai là Duy đâu cơ chứ!”, Tôi đáp lại, nắm lấy hai bàn tay Dương.
Và rồi cả hai chúng tôi đều cười.
Nếu không có một cặp sinh đôi, quả là đáng tiếc cho bạn, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được những cảm giác này! Thật thú vị biết bao khi tôi có thể là Dương và Dương có thể là tôi. Chúng tôi đến trường, mỗi ngày đều đổi vai cho nhau và chẳng ai nhận ra sự khác biệt. Mọi thứ đều rất tuyệt vời, ngay cả bây giờ khi chúng tôi mười bảy tuổi. Bạn cùng lớp và thày cô giáo, thậm chí đã không ai có đủ sự tự tin để kết luận người nào là Duy còn người nào là Dương nữa. Vì thế mà tôi và Dương có thể đổi chỗ ngồi cho nhau trong lớp, tôi và Dương có thể thay nhau lên bảng kiểm tra bài hoặc là bày ra vô số trò nghịch ngợm phá phách để rồi cuối cùng chủ nhiệm lớp cũng phải ngậm ngùi bỏ qua vì không thể nói chính xác ai trong chúng tôi đã làm những điều tệ hại đó.
Nói tóm lại là, thế giới của tôi và Dương chỉ có hai khái niệm, “chúng tôi” và “không phải chúng tôi”. Những gì “không phải chúng tôi” thì chẳng bao giờ bước vào được thế giới của chúng tôi cả. Có lẽ vì họ đã quá hời hợt.
Một buổi sáng, khi tôi và Dương vừa tới lớp, một đứa bạn đã hớt hải chạy tới và bảo với tôi rằng một con bé lớp dưới định tỏ tình với tôi, đưa kèm một lá thư gắn trái tim chi chít. Nhưng hắn có vẻ lúng túng không biết nên đưa cho ai trong hai chúng tôi, đành hỏi, “Vậy hôm nay ai là Duy?”. Tôi nhìn Dương rồi phá ra cười, chợt nghĩ liệu đứa con gái ấy có biết ai là Duy không cơ chứ! Đã không ít trường hợp như này, bọn con gái chạy đến xin số điện thoại của tôi, rồi sau đó các cuộc gọi dồn dập tới, giọng ở đầu dây bên kia ngọt như kẹo đường, “Alô, anh Dương ạ?”, mà đến phát ngán. Thế nên để trò vui của hai chúng tôi được hấp dẫn thì các cô gái nên bày tỏ trực tiếp như thế này! Mà thêm cả thư thì càng tốt.
“Này Duy, nó đến rồi kìa!! Đang đợi cậu ở ngoài hành lang đấy! Ra đi!”
Nghe thế, tôi và Dương nhếch mép nhìn nhau cười, bỏ ngang cuốn truyện đang đọc dở tại đấy. Tôi nháy mắt ra hiệu với Dương rồi ra ngoài trước cầm theo lá thư của nhỏ.
Một loại con gái hết sức phổ biến, người đợi tôi ngoài cửa là một nhỏ lớp Mười, chỉ cao chừng đến vai tôi, người nhỏ nhắn, mặt mũi cũng khá dễ thương, nhưng có điều kiểu tóc chả hợp với khuôn mặt một tí nào cả. Tôi nghĩ mình không ưa loại này, dù sao thì ngay từ đầu cũng đã không định đơn-thuần nhận thư của cô ta.
“Anh... anh là Duy ạ? Em... em...”, nhỏ ấp úng, lấm lét nhìn tôi, hai má đỏ ửng.
Tôi cười dịu dàng, cúi xuống gần mặt nhỏ hơn, “Anh đã đọc thư của em rồi”.
Rồi bằng vẻ mặt buồn rầu, tôi nói tiếp, “Nhưng tiếc quá, anh là Dương, bạn anh đã đưa nhầm thư cho anh, không phải Duy mà em thích”.
Nhỏ tròn mắt nhìn tôi trong sự thoảng thốt, khuôn mặt lộ rõ sự xấu hổ, miệng thì lắp bắp không ra câu, “Em... em...”
“Làm sao bây giờ nhỉ? Là anh thì không được rồi. Nhưng anh lại để ý em từ lâu. Còn Duy hình như đã có ai đó. Không được? Đúng không?”, tôi làm ra vẻ đau lòng, lặp đi lặp lại mấy từ cuối để nhấn mạnh cho nó biết ý của tôi.
Đến giờ thì con bé có vẻ hoàn toàn tin những lời tôi nói là sự thật. Trong mắt nó chắc là toàn hình ảnh của Dương. Chẳng suy nghĩ gì, nó nói tiếp trong sự ngượng ngùng, “Với em thì... là anh Dương cũng được...”
Bingo! Đúng như những gì tôi đã nghĩ! “Chúng tôi” luôn thắng mà! Còn “không phải chúng tôi” thì chỉ đến thế!
Tôi lập tức dừng ngay mọi cảm xúc vờ vịt vừa nãy của mình lại để chuyển sang nụ cười “gian” bản chất, bỏ hai tay vào túi quần rồi quay sang nhìn Dương đang đứng khoanh tay dựa người bên cửa. Tôi nghêng đầu, “Này Dương, cô ấy bảo là anh thì cũng được đấy!”
Cô ta ngơ ngác nhìn cả hai chúng tôi trong sự kinh ngạc. Tôi dám chắc đến bây giờ cô ta cũng còn chẳng biết đâu là Duy đâu là Dương ấy chứ. Nhưng con gái thì vẫn là con gái, hai mắt cô ta bắt đầu đỏ rồi hoen nước mắt.
“Chán thật! Lần nào kết quả cũng như vậy!”, Dương lắc đầu và chép miệng.
Tôi lại gần chỗ Dương, đưa Dương lá thư rồi cả hai cùng thẳng tay xé. Có lẽ vì quá bàng hoàng mà đứa con gái ấy đã bật khóc tức tưởi, hai bàn tay nắm lại đầy bức xúc, “Thật quá đáng! Các anh... Tại sao lại làm thế chứ??”
“Người quá đáng là ai hả? Cái kiểu gì mà ai cũng được? Tình cảm chỉ đến thế thôi thì ngay từ đầu đừng gửi mấy thứ nhảm nhí này làm gì!”
Dương lạnh lùng thả vụn giấy ngay trước mặt cô ta, đôi mắt một mí của anh đột nhiên băng giá đến đáng sợ.
“Muốn đi chơi với bọn này thì phải xem lại đi! Lần sau ráng nghĩ cách tỏ tình nào hay hơn nhé!”
Chúng tôi cùng bỏ vào trong, mặc kệ cô ta có đứng đó khóc hay là chạy biến đi đâu mất vì quá xấu hổ. Có mấy đứa nhìn được cảnh vừa rồi liền bảo chúng tôi là độc ác, nhưng rõ ràng lỗi là ở cô ta. Cô ta đã không phân biệt được chúng tôi là một nhẽ, đằng này lại còn tỏ tình với ai thì cũng được thì đúng là khó chấp nhận! Quả là một kẻ tầm thường!
Điên ở chỗ những chuyện như vậy lại xảy đến chẳng ít với tôi và Dương ngay từ năm học trước đến tận bây giờ. Nhưng được cái, mỗi lần chúng tôi đều nghĩ ra cách để có thể khiến sự tình hay ho hơn trước. Dần dần tôi phát hiện ra Dương được hâm mộ nhiều hơn tôi. Bọn con gái thường hay xin số điện thoại và nick chat của Dương, hoặc là hỏi thăm về những điều linh tinh xung quanh Dương. Trớ trêu là lần nào tôi cũng là người phải trả lời những câu hỏi chẳng liên quan gì đến mình như thế. Tuy nhiên tôi không thấy bực mình, ngược lại còn thấy vui vì mình và Dương luôn giống nhau như vậy.
Thường thì tôi hay bị “tóm” lúc tan học khi đợi Dương lấy xe về. Tôi hay ra trước Dương, đứng ở cổng trường và trở thành đối tượng của đám con gái. Đôi khi hứng lên tôi cũng giả vờ luôn mình là Dương, nhận quà Giáng Sinh hộ, nhận quà Valentine hộ, nhận luôn quà sinh nhật hộ. Nói tóm lại là tất tần tất những gì đám con gái muốn đưa cho Dương. Điều buồn cười là chẳng đứa nào nhận ra tôi là Duy cả.
“Này, nhận lấy cái này đi Duy!”
Tôi tròn mắt, như không tin vào tai mình. Gì cơ? Tôi bị lộ rồi á? Đám con gái xung quanh cũng ngạc nhiên không kém. Dương thì còn đang mắc kẹt trong nhà xe, tôi thì bô bô cái mồm rằng mình là Dương, còn mấy đứa lớp dưới vẫn nhìn tôi như thể tôi là Dương thật. Thế mà... Cái gì chứ???
KÌ 2 : Duy , Dương và cô gái kì lạ